Dấu hiệu bỏng nắng
Da con người được chia thành 6 nhóm dựa vào màu sắc da và khuynh hướng rám, bỏng nắng khi tiếp xúc tia UV. Những người có loại da I, loại da sáng nhất, có nguy cơ bị cháy nắng cao hơn những người có loại da VI (loại da sẫm màu nhất). Yếu tố nguy cơ khác làm tăng tỉ lệ bị bỏng nắng gồm:
- Sống ở vùng gần xích đạo, vùng cao (UV tăng 4% khi tăng mỗi 300m);
- Tiếp xúc ánh nắng mặt trời từ 10 sáng đến 4 giờ chiều;
- Phản chiếu từ môi trường: tia UV bị phản chiếu 80% bởi tuyết và băng.
Cháy nắng tạm thời là do không sử dụng các sản phẩm bảo vệ da thích hợp khi tắm nắng hoặc do da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời ở cường độ cao và kéo dài. Những biểu hiện thường thấy khi bị bỏng nắng như: Làn da trở nên nhạy cảm, đỏ, yếu, sưng phồng và mỏng hơn. Thậm chí, làn da còn có thể bị rộp, bong tróc kéo dài vài ngày.
Bạn cảm thấy đau, thậm chí nóng rát và một số trường hợp còn sốt nhẹ. Cháy nắng tạm thời cũng có thể gây đau đớn trong khoảng 6 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trường hợp rất nghiêm trọng sẽ dẫn đến bỏng độ hai, mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm trùng thứ phát, sốc hoặc thậm chí tử vong.
Cách chữa trị bỏng nắng
– Rửa sạch vùng bị bỏng:
Bạn có thể dùng khăn ẩm, mát để chườm lên vùng da bị bỏng. Tuy nhiên, phải cẩn thận để tránh mọi hình thức ma sát vì điều này có thể gây kích ứng da. Đảm bảo nhiệt độ nước không quá lạnh vì sẽ làm giảm tốc độ phục hồi và gia tăng nguy cơ tổn thương do tê cóng ở phần trên vết bỏng.
– Bôi gel lô hội:
Gel lô hội hoặc kem dưỡng ẩm chiết xuất từ đậu nành là những lựa chọn tốt nhất vì chúng làm mát vết bỏng. Các nghiên cứu cho thấy nha đam giúp vết bỏng mau lành hơn. Tránh sử dụng sữa dưỡng hoặc kem có chứa benzocaine hoặc lidocaine.
– Áp dụng một số phương pháp thủ công:
Ngay khi bạn nhận thấy vết cháy nắng, hãy bọc một viên đá vào khăn lạnh và chườm lên da. Nước lạnh sẽ nhanh chóng làm giảm nhiệt cho da, ngăn ngừa sưng tấy và hạn chế tổn thương. Không nên dùng đá chà xát lên dà mà chỉ cần đắp lên để làm dịu.
Nếu bạn có vết bỏng lớn trên da hoặc khắp cơ thể, hãy chuẩn bị một bồn tắm với nước ấm vừa phải, hòa tan bột yến mạch trong đó và ngâm mình trong bồn tắm trong 20 phút. Bột yến mạch sẽ nhanh chóng làm dịu cơn bỏng rát và giữ ẩm cho da hiệu quả. Thái lát dưa chuột, đắp lên vùng da bị cháy nắng để làm dịu và tăng độ dưỡng ẩm cho da cũng thường được sử dụng.
– Tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời:
Khi đang bị bỏng nắng, việc tiếp xúc thêm có thể sẽ khiến da tổn thương hơn. Do đó, hãy đảm bảo rằng nó đã được che chắn cẩn thận khi phải tiếp xúc với ánh mặt trời hay bất kỳ nguồn UVR mạnh nào khác. Khi cân nhắc các loại vải và quần áo bảo vệ, quan sát vải dưới ánh sáng là một cách kiểm tra tốt. Hầu hết quần áo có khả năng bảo vệ da sẽ cho phép rất ít ánh sáng đi qua. Tránh ở ngoài đường từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Đây là quãng thời gian dễ dàng bị bỏng nắng nhất.
Biến chứng của bỏng nắng
Mặc dù cháy nắng là tình trạng cấp tính và tạm thời nhưng việc tiếp xúc quá nhiều với tia UV có thể gây tổn thương lâu dài cho da. Những thương tổn này làm tăng nguy cơ dễ bị ung thư da như u hắc tố bào, ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy. Ngoài ra, việc tiếp xúc quá mức ánh sáng mặt trời hay nguồn UV khác còn gây ra các tác động có hại như lão hóa sớm, xuất hiện nếp nhăn da, đốm nâu và tàn nhang.
Bỏng nắng là một trong những biểu hiện của việc tiếp xúc quá nhiều với bức xạ cực tím. Tình trạng này sẽ gây ra nhiều tác động có hại cho da và tăng nguy cơ cao phát triển ung thu da. Do đó, điều quan trọng nhất là ngăn ngừa cháy nắng, vì vậy các biện pháp chống nắng phải được thực hiện đúng cách.