Tỏi đen được xem là “thần dược” có khả năng chữa rất nhiều bệnh và giúp tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, tỏi đen khá mắc tiền không phải ai cũng có điều kiện để sử dụng tỏi đen. Vậy nên, cách làm tỏi đen ngay tại nhà bằng nồi cơm điện thực sự là một cứu cánh cho chị em chúng ta. Mở ra cơ hội trong việc được dùng “thần dược” tỏi đen để nâng cao sức khỏe cho các thành viên trong gia đình với chi phí khá là “hạt dẻ”, dễ chấp nhận hơn rất nhiều.

Một số điều cơ bản về tỏi đen mà bạn cần biết:
Ưu điểm của tỏi đen:
Tỏi đen được làm từ tỏi ta. Tỏi ta sẽ được cho lên men thông qua quá trình sấy điện trong 35 – 45 giờ liên tục. Sau khi sấy xong, tỏi sẽ được đem ủ thêm khoảng 45 ngày. Lúc này, vỏ tỏi sẽ biến thành màu vàng ngà ngà, bên trong chuyển màu đen và có vị ngọt dịu, giống trái cây sấy khô. Thông thường để có 500gr tỏi đen thành phẩm, chúng ta phải chế biến từ 1 kg tỏi tươi.
Nhờ quá trình lên men, các phản ứng chuyển hóa sẽ diễn ra một cách tự nhiên, làm hàm lượng carbohydrate tăng từ 28,7% (trong tỏi tươi) lên tới 47,9% (trong tỏi đen). Chính điều này cũng giúp tỏi đen có vị ngọt dịu của trái cây, giúp bạn không cần chế biến, chỉ cần bóc bỏ vỏ là có thể ăn được.
Tỏi đen có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống oxi hóa, điều hòa đường huyết, giảm mệt mỏi và giúp hạn chế ung thư. Ngoài ra, tỏi đen còn giúp cải thiện xơ vữa động mạch, cải thiện hệ tiêu hóa, đường ruột, cao huyết áp và tốt cho những người bị tiểu đường. Những tác dụng trên chính là nhờ tỏi đen có đặc tính kháng viêm và có chất kháng sinh mạnh.

Một số lưu ý khi dùng tỏi đen:
Mặc dù có nhiều lợi ích rất tốt cho cơ thể nhưng tỏi đen không phải là thuốc. Tỏi đen chỉ là thực phẩm chức năng. Tỏi đen chỉ có tác động vào cơ thể, giúp chống lại các tế bào khối u chứ không phải là thuốc trực tiếp tiêu diệt các tế bào. Tỏi đen đặc biệt hỗ trợ tốt cho việc điều trị ung thư.
Tỏi đen tuy tốt nhưng không nên dùng quá nhiều. Nếu dùng tỏi đen quá nhiều, dùng một cách vô tội vạ sẽ gây hao khí, không có lợi cho cơ thể. Mỗi ngày, chúng ta chỉ nên dùng khoảng 5gr, và chỉ kéo dài khoảng 10 -15 ngày thì ngừng. Thời gian ngừng cũng khoảng 15 ngày thì mới tiếp tục dùng lại.
Ngoài ra, tỏi đen cũng không thực sự thích hợp cho phụ nữ có thai, người bị nóng sốt, viêm xoang và nhiễm trùng chân răng do tỏi đen có tính nóng và tác dụng hành khí mạnh. Tỏi đen cũng có thể gây dị ứng làm nổi mẩn đối với một số người có cơ địa mẫn cảm.
Cách làm tỏi đen bằng nồi cơm điện ngay tại nhà như sau:
Nguyên vật liệu cần chuẩn bị:
- Tỏi ta: 2kg
- Bia: 2 lon
- Nồi cơm điện để ủ
- Giấy bạc và màng bọc thực phẩm.
Xem tiếp sau quảng cáo
Mách nhỏ dành cho bạn:
Bạn nên lựa củ tỏi to, đều và có vỏ mỏng thì tỏi đen thành phẩm thu được sẽ chất lượng hơn. Với 2kg tỏi tươi, ta sẽ thu được 1kg tỏi đen. 1kg tỏi sẽ cần 1 lon bia để làm tỏi đen. Nếu bạn muốn làm nhiều hơn thì cứ như vậy tính lên là được.
Cách làm

Tỏi mua về cắt cuống, bóc bỏ một lớp vỏ mỏng ở phía bên ngoài để loại bỏ bụi bẩn. Sau đó, giũ sạch một lần nữa rồi cho tỏi vào thau nhựa, bật bia rưới đều lên tỏi. Để tỏi ngâm trong 30 phút cho tỏi ngấm men vi sinh. 2kg tỏi bạn dùng hết 2 lon bia. Với cách làm tỏi đen bằng nồi cơm điện, khâu ủ tỏi với bia là khâu cực kỳ quan trọng, bạn cần chú ý không nên bỏ qua hoặc làm sai qui trình nhé. Bạn có thể dùng bất kỳ bia của hãng nào cũng được, không chỉ định cụ thể nhé miễn sao bạn dùng đúng bia lon, không dùng bia hơi hay bia sệt là được.
Trải tờ giấy bạc vào nồi cơm điện rồi xếp đều tỏi lên giấy bạc. Bạn lưu ý là xếp ngay khi tỏi vừa được lấy ra khỏi thau bia ngâm, để nguyên tỏi ướt như vậy cứ xếp vào là được.
Sau khi xếp tỏi xong, gói giấy bạc thật kín bao quanh tỏi phía trong. Đậy nắp nồi cơm điện, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín nồi cơm điện lại để giúp giữ nhiệt tốt hơn. Tiếp theo bật nút “warm” để giữ ấm trong 2 tuần. Nếu bạn dùng nồi cơm điện tử thì không cần phải bọc kín nồi.

Với cách làm tỏi đen bằng nồi cơm điện, tỏi sẽ có những biến đổi như sau trong quá trình ủ nhiệt:
Ngày thứ 2: Tỏi có mùi giống bắp rang, khi sờ phía bên ngoài sẽ thấy nồi rất nóng.
Ngày thứ 3: Tỏi sẽ bắt đầu mềm và có mùi hăng dịu hơn ngày đầu tiên.
Ngày thứ 4: Tỏi bắt đầu chín dần từ bên trong nhưng vẫn có màu trắng. Tỏi có mùi thơm dịu nhẹ.
Ngày thứ 5, 6, 7, 8, 9: Tỏi bắt đầu chuyển sang màu hơi nâu nâu. Đến ngày thứ 9, tỏi đã chuyển sang màu đen.
Ngày thứ 10, 11, 12, 13 : Ăn thử một tép tỏi sẽ thấy tỏi có màu đen, vị cay nhưng không hăng. Đến ngày thứ 13, vỏ tỏi đã khôm tép đen, khi ăn thấy rất mềm và dẻo.

Ngày thứ 14: Thu được tỏi thành phẩm có vỏ khô, màu đen, tép mềm và dẻo. Khi ăn thấy vị ngọt dịu như trái cây sấy.
Lưu ý:
Trong quá trình ủ tỏi ở nhiệt độ cao, bạn có thể kiểm tra sự thay đổi của tỏi hàng ngày nhưng mở nắp ra xem phải đóng lại ngay, không mở nắp quá 5 phút.
Cuối cùng, với 2 kg tỏi tươi, ta thu được 1kg tỏi đen thành phẩm. Bạn cho tỏi đen thu được cất vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản và dùng dần.
Chỉ cần mất chút thời gian và chút công sức, bạn sẽ học được cách làm tỏi đen ngay tại nhà với một chi phí phải bỏ ra không đáng kể. Thực sự là quá tuyệt vời. Vậy nên, chúc bạn thành công với qui trình làm tỏi đen tại nhà “made by me” nhé.